VnSAT tháo gỡ nguồn vốn tái canh cà phê Tây Nguyên
Cập nhật lúc: 16/08/2020
Cập nhật lúc: 16/08/2020
Nguồn vốn vay của dự án VnSAT được người dân Tây Nguyên đánh giá có nhiều ưu điểm vượt trội, giúp bà con tự tin tái canh cà phê bền vững.
Vườn cà phê tái canh cho năng suất cao của HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng EakMat – Hòa Đông. Ảnh: Tuấn Anh.
Những năm gần đây, Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững (VnSAT) và ngành nông nghiệp các tỉnh Tây Nguyên đã có nhiều giải pháp hỗ trợ giống, đặc biệt là nguồn vốn cho người dân để tái canh cà phê bền vững.
Ngoài nguồn vốn cho vay thông thường, người dân còn được hỗ trợ vay vốn tín dụng của dự án VnSAT do ngân hàng thế giới (WB) tài trợ.
Theo đó, mức cho vay tối đa để tái canh cà phê là 270 triệu đồng/ha và 400 triệu đồng/ha (đã bao gồm hệ thống tưới tiết kiệm); thời hạn cho vay tối đa 9 năm; lãi suất cho vay ở mức dưới 7% trong thời gian ân hạn từ 1- 4 năm.
Thời gian qua, nhiều hộ gia đình tại các tỉnh Tây Nguyên rất phấn khởi với nguồn vốn vay từ dự án VnSAT. Theo nhiều người dân, gói vốn vay của dự án VNSAT có nhiều ưu điểm vượt trội, giúp bà con tự tin hơn trong tái canh cà phê.
Ông Nguyễn Thế Quyền, Phó Giám đốc HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng EakMat – Hòa Đông (huyện Krông Păk, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, nguồn vốn hỗ trợ từ dự án VnSAT rất hiệu quả, người dân rất phấn khởi.
Theo đó, các hộ dân trong HTX được vay gói hỗ trợ của VnSAT từ 120-160 triệu đồng với lãi suất ưu đãi lãi dưới 7%, thấp hơn nhiều so với vay tín dụng dài hạn thông thường. Thậm chí trong 3 năm đầu khi mới tái canh cà phê, người dân không phải trả gốc và lãi, đến khi thu hoạch cà phê mới phải trả ngân hàng.
Theo ông Quyền, không chỉ được vay vố ưu đãi, bà con trong HTX Dịch vụ nông nghiệp Công Bằng EakMat – Hòa Đông còn được VnSAT hỗ trợ 80% nguồn vốn để xây dựng hệ thống đường giao thông nội đồng, nhà kho, sân bãi... với số tiền hơn 7 tỷ đồng.
“Từ nguồn vốn này, việc đi lại, vận chuyển, chế biến cà phê của người dân đã thuận lợi và mang lại hiệu quả hơn rất nhiều” – ông Quyền chia sẻ.
Vốn đầu tư tái canh cà phê trong 3 năm hết khoảng 100 triệu đồng/ha. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Phan Xuân Hiền (xã Ea Nam, huyện IaHleo, tỉnh Đăk Lăk) cho biết, trung bình đầu tư tái canh 1 ha cà phê từ lúc bắt đầu cho đến khi thu hoạch phải hết 100 triệu đồng.
Riêng trong năm đầu nguồn vốn bỏ ra cho việc tái canh rất lớn từ việc mua cây giống, phân bón, cải tạo đất... Chưa kể nếu lắp đặt thêm hệ thống tưới tiết kiệm thì nguồn vốn người dân phải bỏ ra còn lớn hơn nhiều, nên người dân buộc phải có nguồn vốn vay mới thực hiện tái canh cà phê được.
“Việc dự án VnSAT hỗ trợ nguồn vốn vay đang mang lại ý nghĩ rất lớn, giúp người dân yên tâm sản xuất cà phê theo hướng bền vững” – ông Hiền cho biết.
“Nguồn vốn hỗ trợ từ dự án VnSAT rất hiệu quả. Chỉ tính riêng vốn hỗ trợ tưới tiết kiệm trên cây cà phê đã mang lại giá trị rất lớn cho người dân. Không phải người dân nào cũng dám bỏ ra cả trăm triệu đầu tư hệ thống tưới tiết kiệm cho cây cà phê nếu không có nguồn vốn hỗ trợ 50% của dự án VnSAT”, ông Nguyễn Tri Sáu, Giám đốc HTX Nông nghiệp Sản xuất và Thương mại Sáu Nhung (huyện Đăk Hà, tỉnh Kon Tum) đánh giá.
Cà phê trên địa bàn Tây Nguyên phần lớn được trồng có tuổi đời từ 20 - 25 năm nên đã già cỗi, thoái hóa, chất lượng thấp. Chính vì vậy, tái canh cà phê đang là nhu cầu bức thiết của người dân.
Người dân ngày càng quan tâm nhiều hơn đến tái canh cà phê bền vững. Ảnh: Tuấn Anh.
Ông Nguyễn Xuân Thụ, Giám đốc HTX Nông nghiệp dịch vụ Nghĩa Lộc (huyện Ia Hleo, tỉnh Đăk Lăk) cho biết: Hiện HTX có 198 thành viên với hơn 300 ha trồng cà phê. Trước đây, người dân mới chỉ tái canh được 4 ha cà phê, chủ yếu là tái canh tự phát trên diện tích nhỏ lẻ.
Từ ngày có dự án VnSAT hỗ trợ, các thành viên đăng ký tái canh rất nhiều nhưng họ đang gặp phải trở ngại là không có tài sản thế chấp để vay vốn tái canh. Theo ông Thụ, phần lớn sổ đỏ của các hộ dân đã cầm cố trong ngân hàng.
“Để vay vốn từ gói hỗ trợ của dự án VnSAT, buộc người dân phải có tài sản thế chấp ngân hàng. Nhưng giờ không có tài sản thế chấp nên người dân chưa thể thực hiện tái canh như mong muốn” – ông Thụ cho biết.
Cũng theo ông Thụ, hiện tại diện tích tái canh của HTX chưa nhiều, nhưng trong thời gian tới nhu cầu tái canh sẽ rất lớn vì phần lớn các vườn cà phê của người dân đã trên 20 năm tuổi. Bên cạnh đó, nhiều người dân cũng muốn thay đổi giống cũ kém hiệu quả bằng giống mới cho năng suất cao hơn theo hướng dẫn của dự án VnSAT.
Tương tự, ông Nguyễn Thế Quyền cho biết, nhu cầu tái canh cà phê rất lớn nhưng còn nhiều hộ gia đình trong HTX vẫn chưa tiếp cận nguồn vốn vay từ dự án VnSAT. Một trong những cản trở lớn nhất là do nhiều hộ dân đã sử dụng sổ đỏ để thế chấp ngân hàng vay tiêu dùng. Mặc dù hạn mức tín dụng của sổ đổ còn nhưng không thể trả khoản nợ cũ để có thể vay vốn từ dự án VnSAT cho tái canh cà phê.
Nhiều vườn cà phê trên 20 năm tuổi của người dân rất cần vốn để tái canh. Ảnh: Tuấn Anh.
“Khó khăn lớn nhất khi vay vốn hỗ trợ từ dự án VnSAT chính là không có tài sản thế chấp cho ngân hàng. Có khoảng 90% sổ đỏ của người dân trước đó đã thế chấp trong ngân hàng, nên giờ muốn vay tái canh cũng khó” – ông Quyền cho biết.
Để linh hoạt trong nguồn vay, ông Phan Xuân Hiền kiến nghị dự án VnSAT và các ngân hàng nên thay đổi phương thức hỗ trợ người dân vay vốn. Cụ thể, thay vì cho vay 90 triệu đồng, VnSAT và ngân hàng giảm mức cho vay xuống khoảng 20-30 triệu đồng theo hình thức tín chấp, để người dân thực hiện tái canh cuốn chiếu.
Mong chờ Chính phủ điều chỉnh kế hoạch tổng thể
Năm 2013, Việt Nam đã có gói hỗ trợ 3.000 tỷ cho chương trình tái canh ở Tây Nguyên. Tuy nhiên vì nhiều lý do mà chương trình chưa mang lại hiệu quả.
Khi dự án VnSAT ra đời, VnSAT đã tiếp tục hỗ trợ nguồn vốn tái canh cà phê nhưng theo mô hình khác để nông dân dễ tiếp cận hơn. Và, với sự hỗ trợ đắc lực của dự án VnSAT, người dân có thể vay vốn ưu đãi lên tới trên 200 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Quốc Hoàn, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Đăk Lăk, cho biết, ngay từ đầu khi thành lập dự án, chúng tôi cũng đã đề cập đến vấn đề nguồn vốn cho tái canh cà phê, trong đó có nói đến những khó khăn của người dân khi không có tài sản thế chấp.
Theo ông Hoàn, vẫn có cách giúp người dân có thể vay vốn. Cụ thể, với dự án này người dân được vay trong thời gian 9 năm, trong đó 3 năm đầu tiên không phải trả gốc và lãi. Bài toán đặt ra là, người dân bằng cách nào đó trong 3 năm để cố gắng trả lại khoản nợ trước đây để lấy bìa đỏ thế chấp từ ngân hàng về. Trong các cuộc tiếp xúc với người dân, chúng tôi cũng dẫn cả cán bộ ngân hàng xuống làm việc để có thể tháo gỡ cho người dân một cách tốt nhất.
“Riêng Đăk Lăk hiện đã giải ngân nguồn vốn vay tái canh đạt 120% kế hoạch với 1.530 tỷ đồng. Giờ chúng tôi chỉ chờ Chính phủ sẽ gia hạn dự án, điều chỉnh kế hoạch tổng thể để có cơ sở hỗ trợ cho các tổ chức nông dân” ông Hoàn cho biết.
Bà Dương Thị Thanh Lương, Phó Giám đốc Ban quản lý dự án VnSAT Kon Tum cho biết, hiện nguồn vốn hỗ trợ cho các tỉnh Tây Nguyên còn thiếu nhiều, trong khi được biết các tỉnh ĐBSCL lại sử dụng chưa hết. Tôi được biết, Ngân hàng Thế giới cũng rất ưu ái dòng tín dụng này để các tổ chức nông dân được vay vốn tái canh cà phê bền vững.
Theo bà Lương, Ban quản lý dự án VnSAT của cả các tỉnh Tây Nguyên cũng đã đề xuất những vấn đề này lên VnSAT Trung ương và Chính phủ để nhằm tháo gỡ cho người dân.
“Khi đã vận động người dân sản xuất cà phê theo hướng bền vững, thành lập những tổ hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp bao tiêu sản phẩm, người dân rất cần dự án VnSAT
Tuấn Anh - Đăng Lâm
Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/vnsat-thao-go-nguon-von-tai-canh-ca-phe-tay-nguyen-d269322.html