Bộ trưởng Đỗ Đức Duy: Tăng cường thanh kiểm tra, nâng cao chất lượng sầu riêng xuất khẩu
Cập nhật lúc: 24/05/2025
Cập nhật lúc: 24/05/2025
(Thanh tra) - Trao đổi với PV Báo Thanh tra, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy khẳng định, Bộ sẽ tiếp tục tăng cường công tác thanh kiểm tra, nâng cao chất lượng ngành hàng sầu riêng. Bộ trưởng đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương để tìm nguyên nhân và khắc phục các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cùng đoàn công tác đi thực địa vùng trồng sầu riêng tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk). Ảnh: NG
Sáng 24/5, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy đã dẫn đầu đoàn công tác đi thực địa vùng trồng sầu riêng tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk). Chuyến đi nhằm đánh giá trực tiếp tình hình sản xuất và công tác quản lý chất lượng sầu riêng, đặc biệt trong bối cảnh đẩy mạnh xuất khẩu chính ngạch.
Về phía địa phương có Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn, cùng lãnh đạo một số sở, ngành liên quan.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy (bìa phải) và Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn
cùng đoàn công tác đi thực địa vùng trồng sầu riêng tại huyện Krông Pắc (Đắk Lắk). Ảnh: NG
Doanh nghiệp chủ động, nông dân vào cuộc vì chất lượng
Đoàn đã thăm vùng trồng của Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm tại thôn Tân Bắc, xã Ea Kênh, huyện Krông Pắc. Đây là một trong những doanh nghiệp lớn tại Đắk Lắk chuyên thu mua, sơ chế và đóng gói sầu riêng, hiện đang quản lý 18 mã vùng trồng với tổng diện tích trên 655 ha.
Ông Võ Thành Toàn, Đại diện Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm, chia sẻ về những yêu cầu nghiêm ngặt khi sầu riêng được xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, đặc biệt là về an toàn vệ sinh thực phẩm và dư lượng thuốc bảo vệ thực vật. Ông Toàn cho biết, với vai trò trực tiếp thu mua, sơ chế, đóng gói và xuất khẩu, đơn vị đã tích cực phối hợp với bà con nông dân, hướng dẫn kỹ thuật canh tác, kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ vườn trồng. Công ty còn thực hiện kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm trước khi thu mua và trước khi xuất hàng, nhằm đảm bảo không có chất cấm và tồn dư thuốc bảo vệ thực vật.
Cán bộ kỹ thuật của Công ty TNHH TM Nông sản Thiện Tâm đã tích cực phối hợp với bà con nông dân, hướng dẫn kỹ thuật
canh tác, kiểm soát chất lượng sản phẩm ngay từ vườn trồng. Ảnh: NG
Tuy nhiên, ông Toàn cũng kiến nghị các cơ quan chức năng sớm hình thành các trung tâm kiểm định, kiểm nghiệm chất lượng nông sản ngay tại địa phương, giúp quá trình kiểm định nhanh chóng, thuận tiện cho doanh nghiệp.
Tại vườn sầu riêng của bà Lê Thị Đào, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy đã hỏi thăm về tình hình sản xuất và thu nhập. Bà Đào cho biết, với 1 ha sầu riêng chuyên canh, năm 2024 gia đình bà đạt sản lượng 45 tấn, với giá bình quân 75.000 đồng/kg. Bà khẳng định tiếp tục đầu tư chăm sóc, tuân thủ quy trình VietGAP và các quy định mã vùng trồng để đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.
Theo báo cáo từ huyện Krông Pắc – “thủ phủ sầu riêng” của Đắk Lắk, nơi có nhãn hiệu "Sầu riêng Krông Pắc" đã được bảo hộ, tình hình sản xuất đang phát triển mạnh mẽ. Đến cuối năm 2024, huyện có 8.113 ha sầu riêng, sản lượng trên 96.000 tấn, giá trị ước đạt 5.280 - 6.240 tỷ đồng. Dự kiến năm 2025, diện tích sẽ mở rộng lên 9.600 ha, sản lượng 106.700 tấn và giá trị 6.400 - 7.500 tỷ đồng.
Huyện đã tích cực xây dựng vùng trồng an toàn với 1.158 ha đạt VietGAP, có 37 vùng trồng và 13 cơ sở đóng gói sầu riêng được cấp mã số xuất khẩu sang Trung Quốc. Krông Pắc cũng tiên phong tổ chức "Lễ hội sầu riêng Krông Pắc" và xúc tiến thương mại, góp phần quảng bá và nâng cao giá trị sản phẩm. Huyện Krông Pắc kiến nghị Bộ Nông nghiệp và Môi trường đẩy nhanh việc kiểm tra, phê duyệt các mã vùng trồng và cơ sở đóng gói còn lại từ phía Trung Quốc, đồng thời hoàn thiện cơ chế quản lý để phát triển sầu riêng bền vững.
Đoàn kiểm tra của Sở Nông nghiệp & Môi trường tỉnh Đắk Lắk trong một cuộc kiểm tra đột xuất
các cơ sở kinh doanh, đóng gói sầu riêng trên địa bàn tỉnh. Ảnh: NG
Siết chặt quản lý để gỡ khó xuất khẩu
Trả lời câu hỏi của phóng viên Báo Thanh tra về việc các nhà nhập khẩu siết chặt yêu cầu và tình trạng tồn dư chất cấm, Bộ trưởng Đỗ Đức Duy khẳng định, Bộ sẽ tăng cường thanh kiểm tra, nâng cao chất lượng ngành hàng sầu riêng. Bộ trưởng đã giao các cơ quan chuyên môn phối hợp với địa phương để tìm nguyên nhân và khắc phục các vấn đề liên quan đến chất lượng sản phẩm.
Thừa nhận những khó khăn hiện tại như yêu cầu kiểm tra kỹ thuật, kiểm dịch, an toàn thực phẩm ngày càng tăng từ các nước nhập khẩu, cùng với sự cạnh tranh gay gắt và áp lực tiêu thụ do quy mô sản xuất tăng nhanh, Bộ trưởng nhấn mạnh cần chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng và truy xuất nguồn gốc còn nhiều hạn chế.
Bộ Nông nghiệp đã tham mưu Chính phủ các giải pháp nâng cao chất lượng sầu riêng, trọng tâm là rà soát, hoàn thiện quy định về quản lý mã số vùng trồng và truy xuất nguồn gốc để kiểm soát chất lượng từ vườn trồng. Bộ cũng chỉ đạo các địa phương tăng cường kiểm tra, giám sát quản lý mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói, thu mua, sơ chế, chế biến, tiêu thụ sầu riêng.
Đặc biệt, Bộ sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền công tác quản lý chất lượng cho chính quyền địa phương, đồng thời tăng cường thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp sử dụng sai mục đích mã số vùng trồng, mã cơ sở đóng gói, và gian lận hồ sơ xuất khẩu. Điều này nhằm phát huy vai trò chủ động của các địa phương, phối hợp với nông dân và doanh nghiệp xây dựng chuỗi sản xuất sầu riêng an toàn, chất lượng, đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, năm 2024, diện tích sầu riêng đã đạt gần 180.000 ha, sản lượng ước đạt 1,5 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt xấp xỉ 3,2 tỷ USD, chiếm 47% tổng giá trị xuất khẩu rau quả. Diện tích sầu riêng tăng bình quân 19,5%/năm trong giai đoạn 2015 - 2024 và tiếp tục có xu hướng mở rộng nhanh.
Tuy nhiên, thời gian vừa qua việc xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam ở một số thời điểm gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng đến quy mô xuất khẩu, giá trị gia tăng, lợi nhuận của người sản xuất và doanh nghiệp xuất khẩu. Nguyên nhân chính là do một số quốc gia đã áp dụng thêm một số biện pháp kiểm soát bổ sung đối với sầu riêng xuất khẩu của Việt Nam; bên cạnh đó, biến đổi khí hậu diễn biến ngày càng phức tạp; tình trạng mở rộng, gia tăng nhanh diện tích sầu riêng tại một số địa phương đang tiềm ẩn nhiều nguy cơ ảnh hưởng đến sự phát triển bền vững của ngành hàng sầu riêng.
Để chủ động ứng phó với những khó khăn trên, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh và bảo đảm sản xuất, xuất khẩu sầu riêng ổn định, bền vững, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện gửi các Bộ, ngành liên quan nhằm thực hiện một số nhiệm vụ để đưa ra các phương án, giải pháp thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu sầu riêng bền vững.
Vũ Văn Trường
Theo báo Thanh tra Chính phủ
Bài viết gốc: https://thanhtra.com.vn/doi-noi-52FA82FBF/bo-truong-do-duc-duy-tang-cuong-thanh-kiem-tra-nang-cao-chat-luong-sau-rieng-xuat-khau-5085a0786.html