Mới đây, một số lô hàng tiêu đen có nguồn gốc từ Gia Lai khi xuất khẩu sang Đài Loan bị trả về do nhiễm chất Sudan, một chất tạo màu đỏ công nghiệp. Sau khi nhận được thông tin này, Hợp tác xã (HTX) Nông nghiệp và dịch vụ Nam Yang (xã Nam Yang, huyện Đắk Đoa) phối hợp với khách hàng lấy mẫu đưa đi kiểm nghiệm chất lượng, test dư lượng thuốc bảo vệ thực vật đồng thời gửi mẫu bao đựng và tấm bạc phơi để kiểm nghiệm để xác định nguyên nhân.
Kết quả cho thấy, mẫu bao tải đỏ do HTX gửi đi kiểm tra bị nhiễm hàm lượng sudan III 2.914 ppm và su dan IV 1.012 ppm (hàm lượng sudan cao), bạt phơi 2 lớp nhiễm sudan IV 0.150 ppm. Hiện nay, thị trường Đài Loan quy định mức giới hạn dư lượng tối đa của chất sudan IV là 0.01 ppm. Nếu vượt mức này trong thực phẩm, lô hàng sẽ bị từ chối nhập. Trong khi đó, tại thị trường EU, Hoa kỳ, Trung Quốc, chất Sudan IV được xếp vào nhóm phẩm màu công nghiệp và không được phép sử dụng trong thực phẩm.
Nguyên nhân: Việc hồ tiêu bị nhiễm chất này là do lâu nay người dân thường dùng bao tải màu đỏ và bạt 2 lớp (cam và xanh) để thu hoạch, phơi khô và bảo quản sản phẩm. Do chưa nhận được cảnh báo về việc dùng những loại vật tư này khiến sản phẩm bị nhiễm chất Sudan nên họ vẫn dùng theo thói quen và “Lâu nay khi xuất khẩu hồ tiêu sang Đài Loan thì đối tác chỉ Test dư lượng thuốc Bảo vệ thực vật. Đây là lần đầu tiên đối tác Test chất Sudan nên nhiều lô hàng xuất khẩu của Việt Nam bị dính”. St.
KHUYẾN CÁO PHÒNG NGỪA NHIỄM SUDAN ĐỎ TRONG HỒ TIÊU
Thông tin về hoạt chất Sudan đỏ
- Là thuốc nhuộm công nghiệp, không được phép sử dụng trong thực phẩm.
- Dạng bột, màu đỏ cam, tan trong dầu, không tan trong nước.
- Dễ dùng để nhuộm giả màu cho ớt bột, tương ớt, dầu điều, cà ri, v.v.
Tác hại của hoạt chất Sudan đỏ
Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) và Cơ quan An toàn Thực phẩm Châu Âu (EFSA) xếp vào nhóm có thể gây ung thư (carcinogen nhóm 3):
- Có thể gây ung thư gan, bàng quang nếu tích lũy lâu dài.
- Gây ngộ độc cấp nếu dùng lượng lớn.
- Có thể gây dị ứng, tổn thương gan, thận.
Cách hạn chế nhiễm Sudan đỏ trong hồ tiêu
Dưới đây là một số khuyến nghị thiết thực dành cho nông dân trồng và bảo quản Hồ tiêu để tránh nguy cơ nhiễm Sudan đỏ - đảm bảo an toàn thực phẩm và giữ vững uy tín xuất khẩu:
1. Không dùng bao bì có màu, kể cả màu đỏ/màu xanh... hoặc bao bì tái chế có màu
- Tuyệt đối tránh dùng bao tải, bạt, túi nilon có màu trong phơi, thu hoạch, đóng gói hoặc vận chuyển Hồ tiêu.
- Không tái sử dụng bao từng chứa phẩm màu công nghiệp, bột ớt, sa tế.
- Nên dùng bao bì màu trắng hoặc các loại bao đạt chuẩn an toàn thực phẩm (food grade).
2. Phơi tiêu trên bạt sạch, bạt màu trắng, bạt không màu nhuộm công nghiệp
- Dùng bạt màu trắng hoặc bạt có lớp phủ chống thấm dầu đề tránh lây nhiễm từ phẩm màu.
- Tránh để Hồ tiêu tiếp xúc trực tiếp với nền xi măng cũ hoặc bạt nhuộm phẩm màu chưa rõ nguồn gốc.
3. Dùng nhà sấy, nhà phơi tiêu chuẩn nếu có điều kiện
- Nếu thời tiết ẩm ướt, sử dụng nhà sấy đạt chuẩn vệ sinh giúp rút ngắn thời gian làm khô và tránh nhiễm tạp chất từ môi trường ẩm.
4. Bảo quản trong kho khô ráo, sạch sẽ
- Bao tiêu phải kín, không rò rỉ, đặt trên kệ cao, tránh tiếp xúc nền đất hoặc tường.
- Kho phải được vệ sinh thường xuyên, tránh bụi bần, côn trùng hoặc các chất ô nhiểm khác.
Đoàn Ngọc Hải
Trưởng Phòng Quản lý Chất lượng
(Bài viết có sử dụng thông tin từ Báo Gia Lai Online )