VnSAT góp phần lớn vào tái cơ cấu nông nghiệp
Cập nhật lúc: 23/09/2020
Cập nhật lúc: 23/09/2020
VnSAT đã góp phần cơ cấu lại hệ thống tổ chức sản xuất, thu mua, chế biến, tiêu thụ ngành hàng cà phê, thúc đẩy tái cơ cấu nông nghiệp bền vững ở Tây Nguyên.
Đã có 20.487 hộ tái canh với diện tích 18.112 ha
Theo đánh giá của Ban quản lý dự án VnSAT Trung ương, đến nay, các hoạt động hỗ trợ, đầu tư của hợp phần cà phê đã đạt và vượt mục tiêu cuối kỳ của dự án, có tác động tích cực, trực tiếp đến tái cơ cấu ngành hàng cà phê theo hướng nâng cao giá trị gia tăng, bền vững và tái cơ cấu ngành nông nghiệp tại các tỉnh Tây Nguyên.
Diện tích cà phê tái canh theo dự án VnSAT mang lại hiệu quả cao, là nơi để các hộ nông dân trong vùng đến tham quan, học tập. Ảnh: Minh Hậu.
Đến nay, VnSAT các tỉnh Tây Nguyên đã đào tạo quy trình tái canh bền vững cho 22.854 hộ, với diện tích 22.047ha. Đã có 20.487 hộ tiến hành tái canh với diện tích 18.112ha, trong đó có 7.186ha (tương đương 3.611 hộ) được vay vốn tái canh từ chương trình dự án VnSAT.
Ngoài đào tạo quy trình sản xuất và tái canh cà phê bền vững, VnSAT 5 tỉnh Tây Nguyên còn triển khai đào tạo tập huấn nhiều nội dung kỹ thuật liên quan đến sản xuất cà phê như: Đào tạo tập huấn về nhân giống cà phê cho trên 1.000 cán bộ/tư nhân; tập huấn về chứng nhận vườn ươm cà phê cho gần 350 người; tập huấn về giám sát và quản lý bệnh cho trên 2.000 người; tập huấn về phân tích đất và chẩn đoán dinh dưỡng cho trên 3.200 nông dân. Đồng thời, VnSAT các tỉnh Tây Nguyên cũng tổ chức các lớp đào tạo người đứng đầu và một số nội dung khác cho các tổ chức nông dân.
Theo kết quả đánh giá các hộ tái canh thực tế cho thấy, có khoảng 74,8% số hộ áp dụng đúng và đủ các tiêu chí của quy trình tái canh bền vững, tương đương diện tích 13.137ha đạt 131% so với mục tiêu cuối kỳ của dự án là 10.000ha. Đến tháng 6/2020, diện tích cà phê sản xuất bền vững đã đạt 36.266 ha (đạt hơn 90,7%, mục tiêu cuối cùng 40.000ha). Tái canh cà phê đã trở thành phong trào lan tỏa rộng khắp các tỉnh Tây Nguyên.
Hoạt động hỗ trợ vườn ươm sản xuất giống cà phê và tưới tiết kiệm cũng đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Đến nay, các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện việc chứng nhận vườn ươm đạt chuẩn cho 51 vườn ươm. Hỗ trợ nâng cấp 11 vườn ươm nhà nước và 21 vườn ươm tư nhân, các vườn ươm được nâng cấp đã cung cấp ra thị trường hơn 5,1 triệu cây giống đảm bảo chất lượng cho tái canh 5.000ha cà phê.
Đặc biệt, hoạt động hỗ trợ tưới tiết kiệm cho cây cà phê đã vượt gần gấp đôi mục tiêu đề ra. Đến nay, tổng diện tích áp dụng tưới tiết kiệm (áp dụng biện pháp kỹ thuật và công nghệ tiên tiến) của 5 tỉnh Tây Nguyên đã đạt 41.451ha (đạt 188% so với mục tiêu dự án là 22.000ha). Trong đó áp dụng biện pháp kỹ thuật theo khuyến cáo của quy trình sản xuất cà phê bền vững về tưới tiết kiệm nước (3 lần/vụ; lượng nước tưới/lần/ha <450m3), phần lớn diện tích cà phê tham gia dự án đã áp dụng đúng kỹ thuật, diện tích tưới đúng quy trình đạt 41.451ha; áp dụng công nghệ tưới tiên tiến (nhỏ giọt và phun mưa), các tỉnh đã xây dựng được 286ha mô hình cho 191 hộ nông dân. Điều đó khẳng định các mô hình tưới tiết kiệm đã mang lại hiệu quả thiết thực. Do đó, nhiều hộ nông dân trồng cà phê Tây Nguyên đã chủ động tự đầu tư tưới tiết kiệm cho vườn nhà mình.
Trong hoạt động hỗ trợ cơ sở hạ tầng, hàng hóa thiết bị cho tổ chức nông dân/HTX, VnSAT đã hỗ trợ thành lập và củng cố hoạt động của 185 tổ chức nông dân ở 5 tỉnh Tây Nguyên (đạt 114% so với mục tiêu là 162 tổ chức nông dân). Trong đó 53 tổ chức nông dân thành lập trước dự án và 132 tổ chức nông dân do dự án hỗ trợ thành lập. Tất cả các tổ chức nông dân đều được triển khai các hoạt động truyền thông, đào tạo tập huấn quy trình kỹ thuật, trong đó có 41 tổ chức nông dân đã được đầu tư cơ sở hạ tầng/thiết bị đợt 1 và đợt 2 với danh mục đầu tư 41 tiểu dự án.
Dự án VnSAT đã hỗ trợ cơ sở hạ tầng cho các HTX, nông dân trồng cà phê và mang lại hiệu quả cao Ảnh: Tuấn Anh.
Theo đó, dự án đã hỗ trợ đầu tư xây dựng cho các tổ chức nông dân 10km kênh mương thủy lợi, 95 cầu/cống, 80km đường giao thông, 34 nhà kho với tổng trữ lượng 9.848 tấn, 1.378m2 nhà bao che máy sấy và 8 máy sấy với tổng công suất 60 tấn/mẻ, 11km đường điện, 7 máy biến áp, 32 máy sơ chế cà phê. Điều này đã góp phần thúc đẩy phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các HTX sản xuất và kinh doanh bền vững theo chuỗi.
Để đảm bảo nguồn vốn tín dụng tái canh cà phê, các tỉnh Tây Nguyên đã nỗ lực thực hiện giải ngân. Tính đến đầu năm 2019 đã giải ngân hết 100% ngân sách phân bổ dành cho cà phê là 50,18 triệu USD (tương đương 1.151,5 tỷ VNĐ) cho nông dân trồng và chăm sóc cà phê tái canh tại 5 tỉnh Tây Nguyên. Đến nay, tổng diện tích tái canh sử dụng nguồn vay dự án đã đạt trên 7.000ha. trong đó, tỉnh Đăk Nông chiếm nhiều nhất, với hơn 2.000ha.
Từ những thành công của mô hình liên kết chuỗi đầu tiên, dự án VnSAT các tỉnh Tây Nguyên đã thực hiện nhiều biện pháp và cơ chế thích hợp để mời gọi, khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài, các tổ chức tín dụng tham gia liên kết, hợp tác với các tổ chức nông dân vùng dự án để cung cấp dịch vụ đầu vào (giống, vật tư, vốn), thu mua sản phẩm cà phê phục vụ chế biến, xuất khẩu. Đến nay đã có trên 30 HTX trồng cà phê được đào tạo nâng cao năng lực quản lý, xúc tiến thị trường xây dựng và cấp mã QR truy xuất nguồn gốc sản phẩm. Một số doanh nghiệp đã tham gia chế biến, tiêu thụ, xuất khẩu cà phê. Cà phê của VnSAT Đăk Lăk đoạt cúp vàng Top 10 Thương hiệu nông sản uy tín Quốc gia. Đây là bước tiền đề quan trọng để hình thành các liên kết chuỗi bền vững với sản phẩm cà phê có thương hiệu và truy xuất được nguồn gốc phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu.
Nhiều mục tiêu đã đạt và vượt mục tiêu cuối kỳ dự án
Từ các hoạt động hỗ trợ, đầu tư của dự án VnSAT, đến nay nhiều mục tiêu dự án của hợp phần cà phê đã gần đạt và vượt mục tiêu cuối kỳ dự án đề ra. Đối với mục tiêu phát triển: Tổng số người hưởng lợi là 200.759 người, đạt 91.3% so với mục tiêu (220.000 người); diện tích áp dụng quy trình canh tác tiên tiến là 49.403ha cà phê áp dụng đúng quy trình canh tác/tái canh cà phê bền vững, đạt 98,8% so với mục tiêu cuối kỳ (50.000ha); tăng lợi nhuận trên 1ha đất sản xuất của nông dân tham gia dự án so với ngoài dự án: Lợi nhuận bình quân tăng 15,8% (niên vụ cà phê 2018 - 2019), đạt 79,0% so với mục tiêu cuối kỳ là tăng 20%.
Công nghệ tưới tiết kiệm VnSAT vượt trội so với các công nghệ khác. Ảnh: Minh Hậu.
Đối với các mục tiêu trung gian cũng đạt và vượt, một số mục tiêu vượt gấp nhiều lần, như diện tích cà phê áp dụng biện pháp canh tác bền vững đánh giá qua giảm thuốc BVTV và phân bón: Diện tích đang canh tác đạt 37.336ha, so với mục tiêu cuối kỳ là 40.000ha; diện tích tái canh đạt 13.137ha, so với mục tiêu cuối kỳ là 10.000ha. Diện tích cà phê áp dụng biện pháp tưới tiết kiệm nước đạt 41.165ha, so với mục tiêu cuối kỳ 22.000ha. Diện tích tái canh cà phê sử dụng giống xác nhận trong vùng dự án đạt 18.112ha, so với mục tiêu cuối kỳ là 7.000ha...
Theo Ban Quản lý Dự án VnSAT Trung ương, từ nay đến hết năm 2020, dự án sẽ tập trung triển khai các hoạt động chính, như: Điều chỉnh Hiệp định dự án; điều chỉnh kế hoạch tổng thể toàn dự án... Đồng thời tập trung xây dựng kế hoạch vốn trung hạn 2021 - 2025; tiếp tục đào tạo tập huấn các quy trình kỹ thuật về sản xuất cà phê bền vững, tái canh bền vững, kỹ năng quản lý HTX; triển khai thi công và hoàn thiện bàn giao các tiểu dự án đợt 3 cho các tổ chức nông dân trong vùng dự án (tỉnh Kon Tum); hoàn thiện các thủ tục về chính sách an toàn môi trường, xã hội cho các tiểu dự án đầu tư công.
Trong thời gian gia hạn từ năm 2021 đến tháng 6/2022, VnSAT sẽ tập trung vào các hoạt động chính: Thực hiện kế hoạch đào tạo tập huấn để duy trì tính bền vững các mục tiêu dự án trong việc áp dụng kỹ thuật sản xuất tiên tiến, các tỉnh cần bố trí vốn đối ứng cho hoạt động đào tạo tập huấn trong thời gian gia hạn.
Đồng thời phát triển liên kết chuỗi bằng việc hình thành 5 chuỗi liên kết về cà phê tại 5 tỉnh, các sản phẩm cà phê của các HTX được dự án hỗ trợ các công cụ truyền thông quảng bá và kết nối với các doanh nghiệp bao tiêu, được trang bị QRCode và nâng cao năng lực phân tích và định giá sản phẩm của mình tại thị trường trong nước và quốc tế. Tiếp tục hỗ trợ các HTX này duy trì vận hành các thương hiệu của mình và tổ chức kinh doanh để tư vấn, xúc tiến thương mại các sản phẩm chế biến sâu của mặt hàng cà phê giới thiệu tại các sự kiện chương trình xúc tiến thương mại...
Năm 2020, phần vốn IDA của 5 tỉnh Tây Nguyên được giao là 203 tỷ đồng (bao gồm 183 tỷ đồng vốn năm 2020 và 20 tỷ đồng vốn kéo dài). Vốn đối ứng tỉnh được giao là 62 tỷ đồng (bao gồm 58 tỷ đồng vốn năm 2020 và 3,8 tỷ đồng vốn kéo dài). Đến tháng 8/2020 đã giải ngân tổng số 69,4 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu dự án đến tháng 8/2020, 5 tỉnh Tây Nguyên giải ngân tổng số 380 tỷ đồng.
LÊ BỀN - TUẤN ANH
Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/vnsat-gop-phan-lon-vao-tai-co-cau-nong-nghiep-d272968.html
Nguồn: nongnghiep.vn