Không nên mở rộng diện tích hồ tiêu dù giá lên cao
Cập nhật lúc: 17/03/2021
Cập nhật lúc: 17/03/2021
Nông dân không nên mở rộng diện tích hồ tiêu dù giá đang lên cao. Ảnh: Trần Trung
Trước những biến động mạnh của giá tiêu trên thị trường hồ tiêu nội địa trong thời gian qua, Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) vừa tổ chức họp đột xuất Ban chấp hành mở rộng, gồm lãnh đạo Hiệp hội và đại diện hơn 30 doanh nghiệp xuất khẩu Hồ tiêu trong nước và doanh nghiệp FDI, nhằm tìm hiểu nguyên nhân cũng như lắng nghe ý kiến của các doanh nghiệp trong việc đánh giá thị trường hồ tiêu hiện nay.
Từ các ý kiến đóng góp, nhận định, VPA đã tập hợp được một số nội dung cơ bản liên quan đến tình hình hồ tiêu hiện tại. Trước hết là việc lượng hồ tiêu xuất khẩu 2 tháng đầu năm 2021 giảm mạnh so với cùng kỳ năm 2020: Cụ thể, theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam, xuất khẩu hồ tiêu 2 tháng đầu năm 2021 của cả nước đạt 30.291 tấn với kim ngạch đạt 87,56 triệu USD. So với cùng kỳ năm 2020, lượng xuất khẩu giảm 25,3%, kim ngạch giảm 6,5% (tháng 2 là tháng trùng với thời gian nghỉ tết âm lịch, trùng thời điểm khan hiếm container và chi phí vận chuyển cao).
Mùa vụ thu hoạch hồ tiêu vụ năm 2021 muộn hơn các năm trước do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu. Đến nay cả nước thu hoạch bình quân khoảng 30-40%, gần hết tháng 4/2021 cơ bản mới thu hoạch xong vì vậy hàng ra chưa nhiều.
Trong thời gian quan, giá tiêu trong nước tăng cao trong khi giá xuất khẩu chưa tăng tương ứng. Trong nửa đầu tháng 3, trên các vùng nguyên liệu, giá tiêu nội địa liên tục tăng từ mức 56.000 đồng/kg ngày 3/3/2021 lên đến 70.000 đồng/kg ngày 11/3/2021 (ngày 13/3, giá tiêu đã lên trên mức 70.000 đồng/kg tại một số địa phương). VPA cho rằng việc giá hồ tiêu đang tăng nóng như hiện tại, ngoài các yếu tố khách quan còn có yếu tố bị chi phối bởi các nhà đầu cơ nội địa.
Trong khi đó, do dịch Covid-19 có xu hướng giảm trên toàn cầu, kết hợp với sản lượng giảm ở các nước sản xuất hồ tiêu do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nhu cầu tiêu thụ và chế biến hồ tiêu trên các thị trường châu Mỹ, châu Á, châu Âu, Ấn Độ có chiều hướng tăng. Tuy nhiên mức tăng chưa cao, chưa tương xứng so với mức giá nguyên liệu hiện tại. Thị trường người mua cao nhất cũng ở mức 3.000 USD/tấn loại 500 g/l nhưng rất ít người mua.
Do giá tiêu trong nước tăng cao, một số nhà xuất khẩu của Việt Nam đã mua hàng Brazil trực tiếp từ các nhà xuất khẩu Brazil hoặc từ các nhà thương mại Dubai vì giá hồ tiêu Brazil khá rẻ so với Việt Nam.
Trước tình hình biến động của giá hồ tiêu, VPA đã cảnh báo các doanh nghiệp xuất khẩu không ký hợp đồng giao xa để tránh rủi ro. Đối với những hợp đồng đã ký nên điều tiết tiến độ mua hàng vì hồ tiêu chưa thu hoạch rộ. Tùy mỗi doanh nghiệp đưa ra đề nghị và hướng xử lý với khách hàng: Thương lượng với khách hàng về thời gian giao hàng hoặc yêu cầu mua thị trường khác thay thế, hoặc thương lượng để bồi thường hợp đồng.
VPA cho rằng nông dân và các đại lý thu mua hồ tiêu cần cân nhắc việc bán hàng đúng thời điểm hiệu quả, không vì giá tăng cao mà vay ngân hàng hoặc các nguồn vay khác để trữ hàng, tránh rủi ro khi thị trường giá xuống. Đặc biệt, dù giá đang lên nhưng nông dân cần hạn chế mở rộng diện tích trồng hồ tiêu như những năm 2015-2016.
VPA đề nghị các doanh nghiệp cần tiếp cận thị trường, đầu tư mạnh vào chế biến sâu để tăng các sản phẩm xuất khẩu, số lượng xuất khẩu và kim ngạch xuất khẩu trong những tháng tới khi thu hoạch rộ.
Sơn Trang
Bài viết gốc: https://nongnghiep.vn/khong-nen-mo-rong-dien-tich-ho-tieu-du-gia-len-cao-d286134.html